SỦI BỌT

TOán học, giáo dục, xã luận, …, Tổ Quốc ơi

Dân chủ trong quan hệ thầy trò

Posted by mrLe trên 09/04/2011


– Ở nước ta, tôn sư trọng đạo đã trở thành truyền thống. Đây là một nét đẹp trong văn hóa dân tộc, cần giữ gìn và phát huy cho con cháu đời sau. Song mặt khác, có lẽ chính truyền thống ấy lại là một trong những lý do tạo ra khoảng cách nhất định giữa thầy và trò.

http://media.tuoitre.com.vn/Stream/audio/2011/thang04/09-04/Danchutrongquanhethaytro.mp3

Đi bất cứ trường học nào trên toàn quốc cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những khẩu hiệu như “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Lấy người học làm trung tâm”, “Thực hiện những giờ học đối thoại”… Nhìn lại mới thấy những điều ấy cuối cùng chẳng thực hiện được bao nhiêu. Một giờ học ở ta thường đơn thuần chỉ là thầy giảng trò nghe, thầy hỏi trò trả lời. Rất ít khi trò có ý kiến ngược lại với thầy. Những cuộc tranh luận thật sự cởi mở giữa thầy và trò lại càng hiếm hoi hơn nữa.

Vì sao lại thế? Tôi nghĩ lý do chính là chúng ta chưa tạo ra được không khí dân chủ trong quan hệ thầy trò. Không phải cứ thầy giáo là cái gì cũng biết, cái gì cũng hiểu đúng. Có những kiến thức thầy không biết mà trò biết là chuyện bình thường. Trò giỏi hơn thầy lại càng đáng quý. Thế nhưng sĩ diện của một người thầy khiến chúng ta khó chấp nhận điều này.

Thành ra có những học trò giỏi, biết chắc thầy mình nói sai mà vì kính thầy, sợ thầy nên không dám phản hồi. Đôi khi có những học trò cá tính, bày tỏ thông tin ngược chiều thì cũng chẳng có mấy thầy dũng cảm nhận là mình sai. Thế là tìm đủ mọi cách cố che giấu cái sai ấy. Có người còn tỏ ra cau có, khó chịu trước những thắc mắc của học trò.

Cần thấy rằng sự dân chủ trong quan hệ thầy trò là cần thiết. Nó có tác dụng thúc đẩy, tạo ra hiệu quả cao trong giáo dục.

Đã đến lúc thầy giáo không phải chỉ là người dạy dỗ mà còn là người bạn đồng hành thân thiết của các em.

Đã đến lúc không phải chỉ có trò học thầy mà thầy cũng phải học trò.

Đã đến lúc phải tạo ra sự bình đẳng giữa thầy và trò trong môi trường học thuật lành mạnh.

Cần có những giờ học mà thầy trò cùng bàn bạc, trao đổi, tranh luận để tìm ra chân lý.

HỒ TẤN NGUYÊN MINH
(Phú Yên)

Bình luận về bài viết này